CÔNG NGHIỆP HÓA ĐANG DỊCH CHUYỂN VỀ LONG AN

CÔNG NGHIỆP HÓA ĐANG DỊCH CHUYỂN VỀ LONG AN

Về thăm và làm việc tại tỉnh Long An, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và một số công tác khác trong thời gian qua. Một trong những nội dung được Tổng Bí thư quan tâm thuộc lĩnh vực công nghiệp, với nhiều vấn đề đặt ra, cần có cách giải quyết để phát triển bền vững,…

Nhà đầu tư đổ về Đức Hòa, Long An săn đất

Nằm trong vùng hạ của huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Đông chỉ cách TP Hồ Chí Minh 25 km đường chim bay, địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông nối liền các địa phương trong vùng, cho nên có nhiều lợi thế phát triển kinh tế – xã hội. Dọc các đường trục của xã, san sát nhà máy, khu công nghiệp. Cả năm ấp đều có nhà văn hóa cộng đồng, đủ các tiện nghi sinh hoạt; chín tuyến đường liên ấp được bê-tông hoặc cứng hóa; nhà của nhân dân xây dựng kiên cố, khang trang,…tất cả như bức tranh mới, hoàn toàn khác mười năm trước, khi nơi đây còn là vùng đất hoang hóa, bưng biền, chỉ có cây bàng mới sống nổi. Ấp nào cũng rộn ràng không khí ngày hội lớn, xã vừa tổ chức đón nhận danh hiệu xã chuẩn văn hóa, xã nông thôn mới.

Trong buổi làm việc tại xã Đức Hòa Đông, các câu hỏi Tổng Bí thư nêu lên trở thành chủ đề để trao đổi, như đưa công nghiệp vào thì được gì, vấn đề gì đặt ra và cách tháo gỡ; thuận lợi, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; làm thế nào để giảm nghèo bền vững?

Bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa Đông Nguyễn Văn Sỹ báo cáo với Tổng Bí thư, từ khi tỉnh quy hoạch, phát triển Khu công nghiệp Đức Hòa 1, nằm trên địa bàn của xã và xã Đức Hòa Hạ, đã làm cho vùng đất hoang sơ này thành nơi “đất lành” của nhiều doanh nghiệp. Năm 1994, khu công nghiệp chỉ có 70 ha, năm 2000 mở rộng lên 204 ha và nay là 1.000 ha. Trên địa bàn xã có bốn khu, cụm công nghiệp với 180 công ty, xí nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 15 nghìn lao động. Cái được lớn nhất khi đưa công nghiệp vào là làm thay đổi cơ cấu kinh tế của xã, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm 90%, nông nghiệp chỉ còn 5%; giải quyết việc làm mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân; làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Năm 2000, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 22 triệu đồng/năm, thì nay con số ấy là 30,4 triệu đồng; hộ khá, giàu chiếm hơn 70%, số hộ nghèo chỉ còn 0,7%. Toàn huyện có 20 khu, cụm công nghiệp, thu hút 665 dự án, tạo việc làm cho 40 nghìn người, có thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,7%.

Với mỗi chương trình công tác lớn, Đảng ủy xã đều có nghị quyết để lãnh đạo và khi tổ chức triển khai thực hiện, vai trò của chi bộ có tính quyết định. Bí thư Chi bộ ấp 3 Trịnh Văn Reo, Bí thư Chi bộ ấp 5 Hồ Văn Bạc báo cáo với Tổng Bí thư việc đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Mỗi tháng, chi bộ họp bàn những công việc đang đặt ra ở địa bàn dân cư; phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, hoặc các mặt công tác cụ thể. Kết quả hoạt động rõ nhất của chi bộ là trong việc kêu gọi nhân dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng ấp, gia đình, xã văn hóa. Nhờ đó, 5 năm qua, xã huy động hơn 46,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, các doanh nghiệp đóng góp hơn sáu tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 6,5 tỷ đồng.

Vui mừng trước đổi thay của xã Đức Hòa Đông và huyện Đức Hòa, Tổng Bí thư cũng lưu ý, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, có cách khắc phục những vấn đề nảy sinh, như khi phát triển công nghiệp, xã có nhiều sức ép, hơn 10 nghìn người từ các nơi khác đến ở, làm việc trong các khu, cụm công nghiệp; vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh – trật tự xã hội phức tạp. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong buổi làm việc tại xã Đức Hòa Đông, Tổng Bí thư cho rằng, trong thời gian không dài, khi phát triển công nghiệp, Đức Hòa có bước phát triển ấn tượng; làm thay đổi hẳn cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt cao; kết cấu hạ tầng nông thôn thay đổi đáng kể.

Từ thực tế của Đức Hòa càng khẳng định hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đúng đắn. Là địa phương có truyền thống cách mạng, kinh tế phát triển, Đức Hòa có thêm điều kiện thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm lo công tác giảm nghèo bền vững. Tổng Bí thư lưu ý, chăm lo phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế đồng thời phải chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, như quản lý dân cư; giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống kinh tế gắn với nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; giàu nhưng phải sống có nghĩa, có tình. Muốn phát triển công nghiệp đồng bộ với các lĩnh vực khác, cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; cán bộ phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách quản lý, phải có trình độ về mọi mặt; cấp ủy đổi mới phương thức lãnh đạo, không để xảy ra các vấn đề phức tạp. Đó là những vấn đề tất yếu đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa.

Khu công nghiệp Hải Sơn (Đức Hòa, Long An): thông tin chi tiết | Thị trường  Today

Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá cao kết quả tỉnh Long An đạt được những năm qua, trong đó có phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm 2000, Long An vẫn là tỉnh thuần nông với cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm khoảng 50%, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, Long An đã tận dụng các lợi thế, khai thác tiềm năng, bứt phá trở thành tỉnh khá trong khu vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ sang công nghiệp-thương mại, dịch vụ-nông nghiệp và tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 26,2% trong cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 11,6%, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người đạt 50,4 triệu đồng/năm, đứng thứ ba khu vực. Một trong những yếu tố góp phần làm nên kết quả đó là hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, Long An thu hút 1.080 dự án, gồm 428 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 triệu USD và 652 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư hơn 45.771 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 270 nghìn lao động. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại, tạo cơ hội cho chủ doanh nghiệp trao đổi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Các dự án đầu tư vào Long An chủ yếu là hai loại hình công nghiệp phụ trợ và công nghiệp hoàn chỉnh. Mỗi năm, tỉnh thu hút hàng trăm dự án. Những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu của cả doanh nghiệp FDI và DDI đạt 67,8 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tỉnh ủy và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tỉnh còn thấp; chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch có mặt hạn chế. Công nghiệp phát triển chưa tương xứng tiềm năng và nguồn nhân lực đầu tư, chưa thu hút được các tập đoàn kinh tế mạnh có công nghệ cao; kết cấu hạ tầng phục vụ, nhất là bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp còn hạn chế; giao thông kết nối, nhất là với TP Hồ Chí Minh còn bất cập, làm ảnh hưởng khả năng thu hút đầu tư. Chất lượng tăng trưởng công nghiệp chưa bền vững, mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng, công nghiệp gia công lắp ráp, công nghiệp thâm dụng lao động còn chiếm tỷ trọng lớn. Chưa có chiến lược tham gia thị trường quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư đánh giá cao sự phát triển bứt phá toàn diện, mạnh mẽ cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Long An. Tăng trưởng kinh tế cao; có 43 xã nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5%; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao,… Tổng Bí thư lưu ý, Long An không được bằng lòng với chính mình, còn nhiều hạn chế, nhiều việc phải làm. Tỉnh cần nhận thức đầy đủ khó khăn, như thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình thế giới; kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững, còn nhiều rủi ro, phức tạp; cần luôn luôn dự báo nắm tình hình cho chắc. Tổng Bí thư đề nghị, Long An quan tâm, làm thật tốt các công việc: tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các cấp ủy xây dựng chương trình hành động, có kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết.

Trên cơ sở đó tập trung phát triển kinh tế – xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; xây dựng tổ chức, con người trong sạch, lành mạnh; tổ chức kiện toàn bộ máy nhân sự sau Đại hội, xây dựng quy chế làm việc. Trước mắt là tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; Tỉnh ủy tập trung những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá như chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt; phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục đổi mới để Long An phát triển nhanh, bền vững hơn, đi đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo nhân dân, 15/03/2016
BẮC VĂN